Giải đáp các thắc mắc về sỏi túi mật

Chưa có đánh giá nào

Giải đáp các thắc mắc về sỏi túi mật

Những ai có nhiều nguy cơ bị sỏi mật nhất? Đó là phụ nữ, nhất là những người sắp mãn kinh và hơi béo. Bệnh cũng dễ gặp ở người ăn nhiều mỡ, đường, đồ ăn nhanh hoặc người già. Di truyền cũng một yếu tố dẫn đến sỏi túi mật.

Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm kề bên gan, có chức năng dự trữ lượng mật do gan sản xuất ra. Bình thường, ít ai “chú ý” đến túi mật, chỉ đến lúc nó bị viêm, gây đau đớn thì mới đi khám bác sĩ. Sau đây là lời giải cho những thắc mắc thường gặp về bệnh:

Sỏi túi mật gây những triệu chứng gì?

Đó là những cơn đau kinh niên hoặc cấp tính dưới hạ sườn bên phải, có khi ở giữa. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn, có thể kèm theo những cơn ói mửa. Bệnh nhân hay bị sốt.

Nếu không đau thì có phải điều trị không?

Khoảng 65% các trường hợp bị sỏi túi mật không hề có triệu chứng lâm sàng nào. Người mang sỏi không đau và có thể sống bình thường suốt cả cuộc đời. Theo các chuyên gia tiêu hóa, họ không cần dùng thuốc mà nên điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp. Có thể sống hòa bình với sỏi và không nên phẫu thuật cho đến lúc nó gây đau.

Sỏi được hình thành như thế nào?

Sỏi được tạo thành từ sắc tố mật (bilirubin gián tiếp) hoặc từ cholesterol. Bình thường, cholesterol không tan được trong mật, nhưng nhờ muối mật và phospholipid, nó sẽ tan được. Người ta nhận thấy nếu tỷ lệ muối mật + phospholipid/cholesterol dưới 10 thì cholesterol sẽ kết thành sỏi. Bình thường trong túi mật cũng chứa vô số các hạt sỏi li ti, chúng có thể kết với nhau tạo thành viên to hơn (kích thước từ vài mm đến vài cm). Phần lớn các viên sỏi này không làm tắc nghẽn và không hề gây triệu chứng nào.

Cách đơn giản để phát hiện sỏi mật?

Siêu âm bụng là cách đơn giản để chẩn đoán sỏi túi mật. Với kỹ thuật hiện nay, siêu âm có thể phát hiện được những viên sỏi có kích thước trên 2 mm. Chỉ cần dựa vào triệu chứng đau trên lâm sàng, kết hợp với siêu âm là có thể chẩn đoán được phần lớn các trường hợp sỏi túi mật. Nếu siêu âm thông thường không phát hiện hoặc nghi ngờ thì có thể làm siêu âm qua nội soi ngược dòng. Đưa ống soi qua miệng, đến tá tràng vào đường mật sẽ nhìn thấy tất cả; nhưng phải gây mê toàn thân.

Hiện có thuốc nào làm tan sỏi mà không cần phẫu thuật?

Thật ra trên thị trường có nhiều thuốc được cho là làm tan sỏi mật nhưng hiệu quả thực tế lại kém. Phần lớn các chuyên gia không áp dụng vì nó chỉ làm mòn sỏi một ít, sau khi ngưng thuốc thì sỏi lại hình thành và to như cũ. Thuốc hay gây tác dụng phụ trên dạ dày và giá cả cũng quá cao nên nếu cần điều trị, thường người ta chọn phương pháp phẫu thuật.

Khi nào bệnh nhân có sỏi mật cần phẫu thuật?

Khi sỏi gây tắc làm viêm túi mật và dẫn đến đau đớn cho bệnh nhân; chu kỳ đau ngắn dần hoặc đau kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân… thì cần phẫu thuật lấy sỏi. Thời điểm phẫu thuật thường là vài tuần sau khi tình trạng viêm nhiễm ổn định.

Tình huống nào phải phẫu thuật cấp cứu?

Khi bệnh nhân bị nhiễm trùng túi mật gây sốt, đau nhiều, nôn ói. Có thể viên sạn làm nghẽn cổ túi mật, gây viêm nhiễm giãn to túi mật. Trong trường hợp mật thấm ra khỏi túi, làm viêm phúc mạc mật thì phải phẫu thuật cấp cứu. Một số bệnh nhân bị viêm tụy cấp tính do sỏi từ túi mật lọt xuống mật gây nghẽn, cần phẫu thuật cấp cứu dẫn lưu đường mật và cả tụy.

Phẫu thuật sỏi túi mật có phải là phẫu thuật lớn?

Nói chung thì không phải, trừ khi nó gây biến chứng viêm phúc mạc hoặc viêm tụy cấp. Giải pháp được chọn thường là cắt bỏ túi mật vì nếu chỉ lấy sỏi, bệnh sẽ tái phát. Hơn nữa, túi mật bị viêm mãn có thành dày, là nơi chứa vi trùng. Ngày nay, người ta phẫu thuật cắt túi mật qua ngả nội soi với sẹo rất nhỏ, không gây đau đớn. Bệnh nhân mau hồi phục, chỉ cần nằm viện 3 ngày và sau đó dưỡng bệnh 2 tuần. Chỉ khi nào sỏi phức tạp và có biến chứng mới dùng cách mổ cổ điển.

Có thể sống mà không có túi mật?

Tất nhiên là có thể nên mới có chỉ định cắt bỏ túi mật. Người không có túi mật vẫn sống, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Chỉ một số ít người bị rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy) sau khi phẫu thuật nhưng dần dần sẽ hồi phục bình thường.

Kết quả tác dụng có thể da dạng tùy theo cơ địa của mỗi người mà có những phác đồ hỗ trợ điều trị khác nhau. chính vì vậy bạn đọc cần liên hệ trực tiếp với người có chuyên môn để được tư vấn cũng như hỗ trợ điều trị một cách tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.