tỉ lệ người nhiễm vi rút viêm gan

Chưa có đánh giá nào

Khoảng 8,7 triệu người Việt Nam nhiễm vi rút viêm gan
Ứớc tính hiện nay Việt Nam có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm viêm gan C.
Ngày 29/8, tại hội thảo báo chí phòng chống bệnh viêm gan vi rút, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, viêm gan C cao trong khu vực và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm vi rút viêm gan.

Theo Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm viêm gan C. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do vi rút viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do vi rút viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.

Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B khoảng 6-20%

Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Theo các kết quả nghiên cứu tại Việt Nam ở một số nhóm, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B khoảng 6-20%; tỷ lệ nhiễm viêm gan B trong nhóm phụ nữ có thai là khoảng từ 10-20%. Tỷ lệ đồng nhiễm HIV và viêm gan B là 14,2%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C cao hơn nhiều trong nhóm nghiện chích ma túy và bệnh nhân truyền máu. Tỷ lệ đồng nhiễm HIV và viêm gan C khoảng 39,6%, tập trung chủ yếu ở đối tượng tiêm chích khoảng 54%.

Tại Việt Nam, vi rút viêm gan B lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con và vi rút viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu. Viêm gan B và C là nguyên nhân chính gây xơ gan, ung thư gan và tử vong liên quan đến viêm gan vi rút.

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.

Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền tương tự như vi rút HIV bao gồm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân, miệng do thức ăn, nước uống bị nhiễm nguồn bệnh và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Trong 5 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130-150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính trên toàn cầu. Số trường hợp tử vong do viêm gan vi rút B và C ước tính mỗi năm là khoảng 1,4 triệu người.

Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cao nhất. Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút là rất lớn nhưng chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm và chỉ có chưa đến 1% được tiếp cận điều trị.

Bệnh viêm gan có thể dự phòng và điều trị được

Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh viêm gan vi rút B và C có thể dự phòng và điều trị được. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ trong đó có liều trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế và thực hiện các biện pháp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.

Đối với trẻ em khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2016, tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu đạt 83%.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới chỉ đạt 39%. Tại Việt Nam, năm 2015, tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B đạt tới 95% và tỷ lệ tiêm mũi sau sinh đạt 65%…

Cục Y tế dự phòng khẳng định: Tại Việt Nam, năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút.

Việt Nam là một trong 36 quốc gia trên thế giới đã ban hành kế hoạch phòng chống viêm gan vi rút. Kế hoạch quốc gia đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác thông tin – giáo dục – truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; sử dụng các mô hình tốt để tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ; sàng lọc phát hiện nhiễm vi rút viêm gan B và C cho nhóm có hành vi nguy cơ cao; phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp viêm gan mạn tính.

Đồng thời, thực hiện phân tuyến sàng lọc, chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút, đặc biệt là viêm gan vi rút B và C và theo hướng tiếp cận cộng đồng. Mặt khác, cần lồng ghép can thiệp phòng lây nhiễm viêm gan, đặc biệt là viêm gan C vào hoạt động phòng chống lây nhiễm HIV cho người nhiễm HIV, nguy cơ nhiễm HIV. Các đơn vị chắc năng cũng cần phối hợp với cơ quan bảo hiểm y tế để xây dựng các quy định nhằm chi trả các chi phí chẩn đoán, điều trị, đặc biệt đối với điều trị viêm gan vi rút B và C.

Kết quả tác dụng có thể da dạng tùy theo cơ địa của mỗi người mà có những phác đồ hỗ trợ điều trị khác nhau. chính vì vậy bạn đọc cần liên hệ trực tiếp với người có chuyên môn để được tư vấn cũng như hỗ trợ điều trị một cách tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.